Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

"Không phải tất cả cộng đồng người Ai Cập tại Pháp đều ủng hộ việc ghi danh ứng cử Tổng thống của tướng Al-Sissi" - Mohamed Eldich, trưởng Văn phòng quân sự Ai Cập ở Paris khẳng định. Tuy nhiên những ai không đồng tình có nguy cơ phải trả giá đắt, đặc biệt là 4 thanh niên Ai Cập tham gia phong trào phản kháng ngay từ những ngày đầu : Mahmoud Elaarag 25 tuổi, Ali Etman 31 tuổi, Wahid Badawi 24 tuổi và Ahmed Hassan 24 tuổi. Họ có thể bị trục xuất về nước vì đã biểu tình ngày 28/1 trước văn phòng quân sự Ai Cập tại Paris.

Các thanh niên đó không xa lạ gì với cảnh sát Paris, họ chống đối Chính phủ Ai Cập nên bị bắt và nhận được lệnh phải rời khỏi lãnh thổ Pháp trước ngày 29/3. Bốn thanh niên này đang rất lo sợ cho số phận của họ nếu trở về nước, trong khi có hơn 21.000 người chống đối đã bị giam giữ từ khi Mohamed Morsi bị lật đổ ngày 3/7/2013.

Phiên tòa kết án tử hình 529 người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo ngày 24/3 vừa qua là một bằng chứng cho thấy Ai Cập hiện đang thiếu vắng công lý.

"Nếu tôi ở lại Ai Cập, có lẽ tôi đã chết. Tất cả những ai tham gia các cuộc biểu tình đều giống như tôi" - chàng kỹ sư nông nghiệp Ali thổ lộ. Hơn 800 người đã chết trong những vụ bạo loạn sau khi chính quyền cũ bị lật đổ. Họ đến nước Pháp để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngay từ những ngày đầu Ahmed, Ali, Mahmoud và Wahid đã tham gia vào những cuộc biểu tình chống Tổng thống Hosni Mubarak từ tháng 1/2011. Họ đã lập ra các hiệp hội trợ giúp cuộc cách mạng như Hội Thanh niên Ai Cập và tổ chức nhiều cuộc biểu tình để ủng hộ phe đối lập trong nước.


Thanh niên Ai Cập biểu tình tại Paris.

Khi Mubarak bị lật đổ, họ lên án các nhà ngoại giao tự xưng là theo cách mạng nhưng thật ra lại là những người thân của chính quyền cũ. "Chúng tôi đã lật tẩy bản chất thật của họ, ngăn cản Salah Farhoud (thủ lĩnh đảng Quốc gia Dân chủ PND của chính quyền cũ) tổ chức cuộc "tái bầu cử" Chủ tịch cộng đồng Ai Cập ở Pháp. Việc này khiến chúng tôi nhận được nhiều lời đe dọa.

Sau khi chúng tôi vào ngụ tại đại sứ quán từ ngày 6 đến 12/5/2011, tôi đã bị một nhóm người hành hung trước cổng ga tàu điện ngầm Aubervilliers lúc tôi đang phân phát truyền đơn" - Mahmoud kể lại. Vụ hành hung đó khiến anh phải phẫu thuật cơ chằng chân.

Sau khi phản đối quyền hành của Hội đồng Quân sự Tối cao, các thanh niên này đã chống lại Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. "Chúng tôi bắt đầu biểu tình chống Huynh đệ Hồi giáo khi họ có những đường lối trái với cuộc cách mạng: họ liên kết với quân đội khi chấp thuận dự án cải tổ hiến pháp do giới quân sự đề ra vào tháng 3/2011" - Wahid giải thích. Tuy nhiên trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012, họ đã kêu gọi bầu cho Mohamed Morsi nhằm ngáng đường Ahmed Chafik được quân đội hậu thuẫn.

"Thế nhưng Morsi đã nhanh chóng khiến chúng tôi thất vọng. Ông ta đắc cử với nhiều phiếu thuộc phe đối lập nhưng lại có chính sách phục vụ cho Huynh đệ Hồi giáo mà ông cố đưa vào các chức vụ trong chính quyền" - Ali cho biết. Thế là những cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại Ai Cập và … Paris.

Ngay sau cuộc biểu tình ngày 30/6/2013 được tướng Al-Sissi hậu thuẫn để phế truất Morsi, "chúng tôi hiểu rằng chặng đường của cuộc cách mạng lại bị chệch hướng" - Ali thổ lộ. "Những người bị bắt dưới chế độ Morsi rồi được trả tự do trong ngày 30/6 đã bị bắt trở lại" - Wahid tức giận nói. Trong những tuần tiếp theo đó, sự đàn áp đã nhắm vào Huynh đệ Hồi giáo, hơn 1.400 người đã bị thiệt mạng.

"Chúng tôi chống đối Huynh đệ Hồi giáo nhưng cũng lên án việc họ bị chính quyền đàn áp. Hiện nay sự đàn áp còn hơn cả dưới thời Mubarak, các điều kiện giam giữ rất tồi tệ. Tất cả những ai không theo chính quyền sẽ bị trừng trị" - Ahmed nói thêm. Kể từ tháng 11/2013 với đạo luật chống biểu tình, chính quyền đàn áp tất cả mọi người chống đối chứ không chỉ những người ủng hộ Morsi.

Nếu Ahmed, Ali, Mahmoud và Wahid bị trục xuất về nước, có thể họ cũng sẽ bị giam cầm, bị đối xử tàn tệ, bị tra tấn. “Chúng tôi biết rằng cuộc cách mạng phải có thăng trầm như một đợt sóng lớn. Nhưng lúc này chúng tôi đang ở chỗ trũng" - Mahmoud tâm sự


0 nhận xét:

Đăng nhận xét