“Hoàng Sa, Trường Sa – chủ quyền Việt Nam” là chuyên đề triển lãm từ ngày 15/7 – 15/8/2014, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội) phối hợp với Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Biên phòng tổ chức. Khách mời dự là đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao; một số hãng thông tấn báo chí nước ngoài, các tùy viên quân sự các nước, các cựu chiến binh…
Triển lãm trưng bày 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu giới thiệu những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được công bố. Triển lãm gồm 3 phần: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”; “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”; “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”. Triển lãm nhằm tôn vinh, tri ân những cống hiến, đóng góp to lớn của các lực lượng giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ghi nhận sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, bạn bè quốc tế. Triển lãm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cổ vũ quân và dân ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta kiên trì tìm kiếm và xây dựng hòa bình, nhưng cũng không thể để phần lãnh hải thiêng liêng của quốc gia Việt Nam thành “sân chơi nước lớn” cho Trung Quốc trắng trợn gây hấn tại Biển Đông. “Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lí và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). ![]() Bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e note in Atlas nằm trong bộ bản đồ thế giới gồm 18 bức do Fernão Vaz Dourado người Bồ Đào Nha vẽ năm 1571, hình vẽ quần đảo Hoàng Sa được thể hiện như một lưỡi dao dài và cong, điểm đầu ở phía Bắc ghi là I.De Parcel (Hoàng Sa), điểm cuối ở phía Nam ghi là Pulo Sisi (Cù lao Thu). Triển lãm trưng bày các tờ châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802 – 1945). Trên các châu bản này, còn lưu lại dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ, là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, hòa bình, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua. Lần đầu tiên những mảnh tàu Cảnh sát Biển số hiệu 2016 bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46105 ngổ ngáo đâm thẳng vào mạn phải, khi tàu Cảnh sát Biển 2016 đang thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa ngày 1/6/2014. Những mảnh vỡ, boong tàu Cảnh sát Biển 2012 bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 44103 chủ động đâm va, ngày 4/5/2014, khi tàu Cảnh sát Biển 2012 đang thực thi nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Thiếu tướng Lê Văn Hoàng (Chính ủy Tổng cục Hậu cần) lưu bút: “Tôi thực sự xúc động trước những hình ảnh, tư liệu, hiện vật… đã tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây là những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Triển lãm thẳng thắn lên án Trung Quốc đã không tôn trọng nước có chủ quyền. “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất kì người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm” (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) Trần Minh Thu |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét